Giáo sư/Doanh nhân Phan Văn Trường, ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, người từng nắm giữ vị trí lãnh đạo trong các tập đoàn hàng đầu thế giới như Alstom, Suez, một trong số hiếm những công dân Việt Nam từng được nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp. Ông dành 60 năm – gần như cả cuộc đời mình để chinh chiến chốn thương trường và ngần ấy năm cũng là ngần ấy những kinh nghiệm, bài học quý báu mà ông đã gom nhặt được tạo thành một Nghệ thuật quản trị Phan Văn Trường. Giờ đây, những trải nhiệm, những câu chuyện ấy được giáo sư đúc kết lại trong cuốn sách “Một đời quản trị”.
“Nghệ thuật quản trị Phan Văn Trường” – Câu chuyện cuộc đời của nhà lãnh đạo tài ba

Sau khi phát hành cuốn “Một đời thương thuyết”, GS. Phan Văn Trường không nghĩ rằng mình sẽ đặt bút viết cuốn sách tiếp theo. Thế nhưng khi chứng kiến những con người trẻ ham học hỏi, những chủ doanh nghiệp còn đang chập chững bước chân vào lĩnh vực quản trị kinh doanh thì trong lòng GS. Phan Văn Trường lại đau đáu một nỗi niềm với thế hệ trẻ, ông vẫn còn đó một sứ mệnh chưa hoàn thành – ươm mầm và truyền cảm hứng cho những người đi sau. Và cứ như thế, cuốn sách “Một đời quản trị” ra đời – công trình với đầy sự tâm huyết được gây dựng nên từ chính những trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn của ông trong những tháng năm hoạt động trên thương trường.
Nghệ thuật quản trị: Bẩm sinh hay do rèn luyện?
Quản trị là một nghệ thuật, nhà quản trị là một nghệ sĩ. Thật vậy, quản trị cũng như hội họa hay âm nhạc, là một thứ nghệ thuật và để có được nó không phải dễ dàng gì. Để học được môn nghệ thuật ấy cần sự kiên trì rèn luyện, ham học hỏi. Tuy nhiên để trở thành một người nghệ sĩ, một nhà quản trị thì như vậy là chưa đủ. Ở trong mỗi người cần phải có sự đam mê và nhất là khi muốn nghệ thuật đó thăng hoa thì yếu tố bẩm sinh là không thể thiếu. Vậy nên có thể nói rằng quản trị không phải là làm nghề mà là sống với nghề.

Đừng nhầm lẫn giữa quản lý và quản trị
Đây là điều mà GS nhấn mạnh trong cuốn sách của mình rằng quản lý và quản trị là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Có rất nhiều nhà lãnh đạo đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm này và kết quả là doanh nghiệp của họ cứ dần tiến đến bờ vực phá sản. Nghĩa địa của những tập đoàn khét tiếng một thời đầy rẫy những doanh nghiệp được quản lý cực kỳ tốt nhưng lại không được quản trị một cách sáng suốt với những người lãnh đạo thiếu tầm.
“Chính đây là ý niệm cốt lõi của sách này: tách bạch quản trị với quản lý. Tôi cho đây là việc làm vô cùng quan trọng, vô cùng hữu ích cho tất cả những ai muốn hiểu thêm về quản lý và quản trị!” – GS chia sẻ.
Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Một trong những điều mà GS. Phan Văn Trường tâm đắc nhất khi nói trong cuốn sách đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chẳng thể nào hoạt động hiệu quả và tồn tại dài lâu nếu thiếu đi văn hóa doanh nghiệp. Nhiều người nghĩ rằng những quy tắc, KPI, deadline, những lý thuyết, biểu đồ mà người sếp đặt ra sẽ giúp cho nhân viên của họ làm việc hiệu quả. Nhưng không, GS đã chứng tỏ điều đó là vô ích, thừa thải trong việc quản trị gây áp lực cho nhân viên. Những lý thuyết như vậy chỉ nên áp dụng cho quản lý chứ không phải quản trị. Doanh nghiệp nào cũng thế, đều có những bệnh trong công ty như bệnh thiếu động lực, làm không xong việc, chia bè phái, sự rối ren trong công ty, thiếu óc sáng tạo, … những căn bệnh này cần được phát hiện sớm và GS đều đưa ra những giải pháp rất hợp tình hợp lý. Lãnh đạo cần phải làm gương.
“Quản trị là phải đi từ tình thương nhân viên, tầm nhìn, thái độ, lương tri , tính quyết liệt, trí óc thông suốt và khoa học, lấy gương sáng để thu hút nhân tài, mang gương sáng để vận dụng uy quyền, lòng hy sinh để phát huy động lực, lấy tính ôn hòa và khả năng lắng nghe để tạo nên sự tương tác cao giữa nhân viên, thưởng phạt vẫn phân minh và tinh thần vẫn vô tư ấm áp.” – GS nói trong sách.
Xem thêm về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại đây.
Với lối diễn giải đơn giản, sống động cùng những mẩu chuyện chân thực về cuộc đời, những triết lý quản trị mà GS. Phan Văn Trường muốn truyền tải dễ dàng đi vào trí óc của độc giả. Qua cuốn sách này, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng quản trị giống như một bộ môn nghệ thuật vậy, để có được cần kiên trì học hỏi không ngừng và để trở thành một nghệ sĩ thì lại càng cần hơn thế nữa. Thưởng thức cuốn sách, chúng ta nhận ra răng chính tác giả Phan Văn Trường là một người nghệ sĩ tài ba đã biểu diễn và cống hiến hết mình cho lĩnh vực quản trị kinh doanh mà mình đã theo đuổi. “Một đời quản trị” – cuốn sách must-read dành cho những bạn trẻ đang chậm chững bước vào con đường quản trị kinh doanh.
Thảo luận về post