Phong cách quản trị Phan Văn Trường đã được nhiều người biết đến từ những năm 1990. Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Theo ông, để quản trị tốt. Ta phải hiểu rõ thế nào là quản trị và thế nào là quản lý.
Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ rằng: “ Hầu hết lãnh đạo của các công ty ở Việt Nam đều chỉ biết quản lý mà không biết quản trị. Quản lý thì có thể áp dụng những mô hình doanh nghiệp đã được thử nghiệm trên thế giới, phân bổ công việc hiệu quả nhưng quản trị thì đòi hỏi phải đi sâu vào lòng người, nắm bắt năng lực thật sự của những cộng sự sát cánh với mình, gắn kết giữa người với người.”
Sự khác biệt giữa nghệ thuật quản trị và quản lý
Giáo sư Phan Văn Trường nhận định rằng, tại Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo hiện nay vẫn còn lờ mờ về khía niệm của hai từ “Quản lý” và “Quản trị”. Vậy quản trị và quản lý khác nhau thế nào?
Nhà quản lý cần phải có khả năng tổ chức, có phẩm chất kiên định và linh hoạt trong mọi nhiệm vụ được giao. Nhà quản trị lại là người cần có tầm nhìn xa, có khả năng động viên, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho nhân viên trong công ty. Quản trị cần đặt ra các chiến lược. Quản lý quan tâm đến chiến thuật và phương án thực hiện.

Nghệ thuật quản trị Phan Văn Trường là biết biến nhân viên của mình thành người phi thường. Còn ngược lại, nếu không quản trị giỏi mà quản lý, thì chính những nhân viên đó có thể trở thành những người tầm thường, nếu không muốn nói là kém cỏi.
“Rất nhiều chủ doanh nghiệp không hiểu chuyện đó. Không những không tạo động lực, mà còn làm cho người ta mất động lực, mất tin tưởng. Không những họ không tin tưởng nữa vào sản phẩm của họ, tương lai của họ, mà họ còn không tin tưởng luôn vào tài năng lãnh đạo, sự bền vững và ổn định của công ty.
Những trường hợp này rất phổ biến. Do lãnh đạo không đủ giỏi, không hiểu thế nào là quản trị và thế nào là quản lý,” GS Trường nói. “Tôi phân bổ công việc một cách ngăn nắp, đó là thái độ quản lý. Còn thái độ quản trị là trả lời được câu hỏi: Làm sao thắng được dự án này. Tức là kiếm ra một chiến lược không thể nào thua được.
Áp dụng cao dao “Đố ai?” vào nghệ thuật quản trị doanh nghiệp
“Lấy thước đo để quản lý, lấy lương tri để quản trị” – GS. Phan Văn Trường
Có lẽ việc đưa bài “Đố ai” vào đề tài quản trị là một bất ngờ cho nhiều người. Nhưng với trí óc được ảnh hưởng bởi nghiệp quản trị Phan Văn Trường lại vạch rõ những luận điểm có thể ứng dụng vào quản lý và quản trị.
Giáo sư Phan Văn Trường so sánh việc “đo mây quét lá” như một việc có tính cách quản lý, và ngược lại “hiểu lòng cha mẹ hay người yêu” thuộc dạng quản trị? Một bên có thể lấy thước đo để thu hẹp vào việc làm, đánh giá một phương án, tìm giải pháp cụ thể cho một con toán.
Một đằng thì phải đi vào cảnh thâm sâu và huyền bí, rồi lùi lại để nhìn tổng thể – của “công lao Mẹ, Thầy”, của giấc mơ người mình yêu. Ở nơi đó thì chẳng thước nào có thể đo được, chỉ mong sao trái tim thấm được, lòng hiểu được, tâm lường được chút nào, phần còn lại không đoán được chính là chỗ cho rủi ro, cho bất ngờ, mà người có lương tri mới đủ trực giác để cảm nhận.
Sự cảm nhận tổng quát đó giống như thái độ mà một chủ doanh nghiệp hay một lãnh đạo phải có trước một tình thế rối ren. Nói một cách khác, nếu người lãnh đạo không có khả năng quyết định thì có bao nhiêu mô hình quản lý cũng không giúp cho việc lãnh đạo tốt hơn.
Tại nước Việt chúng ta rất nhiều trường hợp mà lãnh đạo xem các mô hình quản lý như một mục đích chứ không phải là phương tiện. Họ đã lầm tưởng rằng quản lý doanh nghiệp là đủ, hoặc tệ hơn, có lẽ quản lý và quản trị được hiểu lẫn lộn với nhau như một. Bạn đo hiệu năng của nhân viên hay bạn thương nhân viên của mình? Bạn phải làm cả hai, tất nhiên! Hai việc quản lý và quản trị phải đi sát với nhau nhưng không là một.
Nhưng nếu bạn không thương nhân viên, tức không quản trị tốt, thì việc quản lý vô ích. Nếu không muốn nói là phi lý. Đó là mới chỉ nói đến tình thương nhân viên, chứ việc quản trị là một tổng thể bao quát, đi từ tầm nhìn, thái độ, lương tri, tính quyết liệt, trí óc thông suốt và khoa học. Ngoài ra, còn dùng văn hóa doanh nghiệp để thu hút nhân tài, mang gương sáng để vận dụng uy quyền. Dùng lòng hy sinh để phát huy động lực, lấy tính ôn hòa và khả năng lắng nghe để tạo nên sự tương tác cao giữa các nhân viên. Thưởng phạt vẫn phân minh mà tinh thần vẫn vô tư ấm áp.
Quản trị thực sự là tất cả như thế. Và quản lý cũng chỉ có thế.
Tìm hiểu thêm về Phong cách quản trị Phan Văn Trường qua cuốn sách “Một đời quản trị” tại đây.
Thảo luận về post